Chắc hẳn mỗi bạn khi chuẩn bị cho kì thi JLPT đều được các lời khuyên khác nhau về những kinh nghiệm và mẹo hay để chinh phục kì thi khó khăn này. Tuy nhiên, bạn đã biết hết tất cả những kinh nghiệm hữu ích hay chưa?
I. MẸO HAY CẦN NHỚ NGAY TRƯỚC KÌ THI
1.Tìm hiểu các dạng câu hỏi trong bài kiểm tra của bạn
Trước kì thi khoảng 2-3 tuần, bạn nên tìm thật nhiều các dạng đề thi JLPT trước đây. Tuy nhiên chưa cần phải luyện giải đề ngay lập tức.
Thay vào đó, bạn nên xem trước các dạng bài tập, câu hỏi thường xuất hiện trong đề thi JLPT ở trình độ của mình. Chú ý vào những dạng câu hỏi, dạng ngữ pháp thường xuất hiện nhiều trong các kì thi trước.
Điều này sẽ giúp bạn có sự chuẩn bị về tâm lý trước, nếu gặp những dạng trong kì thi sắp tới thì cũng không gặp bỡ ngỡ.
DƯỚI ĐÂY LÀ TỔNG HỢP ĐỀ THI JLPT CÁC NĂM:
- Đề thi N3 JLPT các năm.
- Đề thi N4 JLPT các năm.
- Đề thi N2 JLPT (kèm đáp án).
- Đề thi N5 JLPT các năm.
2. Sử dụng thẻ flash
Thẻ flash vẫn luôn là phương pháp đơn giản và hiệu quả để học Kanji. Bạn có thể chọn ra các từ kanji có nhiều nét giống nhau và thường xuyên xem lại để phân biệt tốt hơn, tránh nhầm lẫn.
Ngoài ra bạn nên nhóm các thẻ kanji có nhiều nét giống nhau lại để xem mỗi ngày, chỉ mất 5 -10 phút thôi nhưng tăng hiệu quả ghi nhớ rất tốt, nhất là trước kì thi chừng 1 tháng đổ lại.
3. Phương pháp làm bài thi tốc độ
Bạn nên làm những phần dễ và nhanh trước, phần khó (ví dụ đọc hiểu) để làm sau vì cần thời gian suy nghĩ.
Bên cạnh đó, những câu hỏi nào chưa tìm ra đáp án thì nên tạm thời bỏ qua, làm tiếp câu khác để tránh mất thời gian nghĩ 1 câu quá lâu. Sau đó bạn có thể quay trở lại làm tiếp những câu đấy về sau.
4. Làm sao chọn đáp án khi không biết câu nào đúng
Gieo xúc xắc hoặc quay bút chọn khi không biết đáp án nào đúng?
À có một cách tốt hơn đấy. Đó là với những câu mà không biết chính xác đáp án nào đúng, thì bạn hãy chọn đáp án đầu tiên mình nảy ra trong đầu ấy.
Tất nhiên mẹo này không phải lúc nào cũng thành công, nhưng nó là sự đúc kết từ kinh nghiệm của rất nhiều sĩ tử truyền lại đấy.
5. Cách tìm từ khóa quan trọng trong đoạn văn
Những cụm từ được lặp đi lặp lại với tần suất nhiều lần trong bài rất có khả năng chính là từ khóa. Và đoạn văn nào mà từ khóa chiếm đa số, hoặc giải thích về từ khóa, thì chúng ta phải thật tâp trung chú ý vào phần đó.
6. Ngủ đúng giờ và giữ sức khỏe những ngày trước kì thi
Lời khuyên này có thể bạn đã từng được nghe rồi, tuy nhiên nó thực sự rất hiệu quả. Đi ngủ đúng giờ giúp bạn có một tinh thần khỏe mạnh, lại tăng cường hiệu quả ghi nhớ của não bộ hơn đấy.
7. Cách phân bổ thời gian hợp lý cho bài thi JLPT
Với cách phân chia thời gian làm các phần trong bài thi JLPT, Riki chúng mình đã có một bài viết riêng rất chi tiết sau đây, các bạn click vào link dưới để xem nhé:
II. “MẸO HAY” CHO PHẦN THI ĐỌC HIỂU
8. Với dạng câu hỏi gạch dưới
Những câu hỏi có nội dung liên quan đến phần có gạch dưới thì gợi ý thường sẽ xuất hiện ngay trước hoặc sau đoạn gạch dưới đó. Vì thế bạn nên đọc kỹ xung quanh phần gạch dưới để tìm đáp án được dễ dàng hơn.
9. Các làm dạng câu hỏi Đúng – Sai
Với kiểu câu này bạn cần sử dụng phương pháp loại suy, tức là loại trừ đi những phần trả lời sai, cái còn lại chính là đáp án.
10. Dạng câu nghi vấn, phủ định kiểu “Chẳng phải là…hay sao?”
Dạng câu này thường thể hiện ý kiến, quan điểm của người nói một cách nhẹ nhàng và khéo léo. Ví dụ như:
Cô ấy rất cố gắng giảm cân nhưng chẳng phải là vóc dáng vẫn không thay đổi gì hay sao?
=> Tôi nghĩ cô ấy giảm cân không hiệu quả.
Với dạng câu như thế, cách nói khéo léo đó đã mang quan điểm thực sự của tác giả.
11. Câu hỏi điền liên từ làm ra sao?
Với kiểu câu này, để tìm liên từ đúng, chúng ta cần hiểu một cách logic ý nghĩa của đoạn văn phía trước và sau. Bạn cũng có thể dùng phương pháp loại suy để chọn ra liên từ đúng.
12. Câu mang từ nối có nghĩa ngược
Những câu mà có từ nối giữa các cụm như là “tuy nhiên”, “nhưng”… thì đáp án thường xuất hiện ngay sau từ nối đó. Bạn ghi nhớ nhé!
13. Để ý thông tin mấu chốt trước khi đọc câu hỏi
Những thông tin mấu chốt như: từ được chú thích, tiêu đề, gạch chân… là những phần có thể mang thông tin mấu chốt, vì thế bạn nên xem qua để hiểu đại ý trước khi tập trung vào câu hỏi. Như thế bạn sẽ hiểu và lý giải được tình huống, vấn đề trong bài được sâu hơn.
14. Lưu ý những cụm từ quan trọng
Những cụm từ như: Nhất định là, chắc chắn là, chẳng phải là, tôi nghĩ, tôi cho rằng…thì thường đằng sau đấy là những nội dung quan trọng, cần chú ý.
15. Dạng câu phân biệt, so sánh
Với kiểu câu so sánh như “B thì hơn A”, B “đúng hơn/tốt hơn A” hoặc phân biệt như “thà là B hơn là A”, “nên chọn B hơn chọn A” v.v… thì người nói đang mượn sự vật A để làm nổi bật cho sự vật B. Tức là sự vật B mới là cái thể hiện quan điểm, nhấn mạnh của tác giả, do đó ta nên đọc hiểu kỹ về B trong đoạn văn.
16. Dạng câu hỏi “định nghĩa”
Một số dạng câu văn mang dạng định nghĩa ( chú giải ý nghĩa về một sự vật hiện tượng nào đó) thì bạn cũng nên để ý cẩn thận, vì có cái là định nghĩa theo tư duy tác giả, có cái là định nghĩa theo từ điển.
17. Để ý phần ví dụ
Nếu trong bài có phần ví dụ kèm theo thì bạn nên chú ý xem qua phần đó, tránh chủ quan bỏ qua vì rất có thể bạn sẽ hiểu sai ý của người ra đề đấy.
III. “KẾ CHUẨN” CHO PHẦN NGỮ PHÁP
18. Bài sắp xếp từ
Bạn nên chú ý đến các từ thường đi với nhau theo cấu trúc ngữ pháp. Bạn cũng có thể sắp xếp câu từ cuối trở lên nếu thấy dễ hơn.
19. Bài tập điền từ
Khi chọn từ cần điền bạn nên chú ý đến tính hợp ý giữa đoạn trước với đoạn sau, vì câu cần điền sẽ phải liên quan đến đoạn trước và sau từ cần điền, cũng như làm sáng tỏ cho nội dung của câu đó.
IV. KINH NGHIỆM CHO PHẦN KANJI
20. Bài tập về Kanji
Kanji là phần mà bạn chỉ có thể vươt qua nếu có một lượng kiến thức vững chắc thực sự. Mấu chốt ở đây là bạn cần sự cẩn thận, phân biệt rõ sự khác nhau giữa các từ để lựa chọn được đáp án chính xác.
Bạn cũng có thể click vào link dưới đây để xem 15 kinh nghiệm đẩy nhanh thời gian học kanji và từ vựng gấp 5 lần
15 ĐIỀU NÊN VÀ KHÔNG NÊN ĐỂ HỌC TỪ VỰNG TIẾNG NHẬT NHANH GẤP 5 LẦN
V. 5 MẸO HAY CHO PHẦN NGHE HIỂU
Bạn cần ghi nhớ có 5 dạng đề nghe hiểu sau, mỗi dạng có một cách xử lý riêng như sau:
Dạng 1: Câu hỏi khi cần làm một việc, một hành động nào đó và nhân vật cần phải nói gì, làm gì để biểu hiện điều đó.
Với dạng này bạn cần nghe rõ yêu cầu mà cần làm – cần hành động để chọn đáp án chính xác.
Dạng 2: Các kiểu câu thuộc dạng tình huống: nếu bạn được hỏi một câu, một vấn đề trong tình huống đó thì sẽ đối đáp như thế nào.
Hãy chú ý đến âm điệu, ngữ điệu, biểu cảm, cách dùng kính ngữ v.v…có trong đoạn hội thoại, vì qua đó sẽ giúp bạn tìm được câu trả lời chính xác.
Dạng 3: Dạng câu thường xoay quanh việc bạn phải trả lời được là nhân vật trong đoạn nghe sẽ làm gì sau đó.
Với dạng này, bạn nên chú ý đến các từ như まず、このあと và cả hành động trước đó của nhân vật để phán đoán.
Dạng 4: Dạng câu có các từ để hỏi như: ai, ở đâu, cái gì, làm sao, như thế nào…
Thông thường với những câu này bạn cần để ý các từ khóa chính giúp giải đáp được vấn đề đó là có thể chọn ngay ra đáp án.
Đừng mất quá nhiều thời gian cho dạng câu này, nếu chưa nghĩ ra ngay hãy tạm bỏ đấy để tập trung vào các câu khác, rồi quay lại làm sau.
Dạng 5: Tất cả những dạng câu hỏi chọn đáp án khác không nằm trong 4 dạng trên.
Ngoài 4 dạng chính ở trên, đôi khi bài nghe sẽ có một số câu hỏi đa dạng và sáng tạo khác. Tuy nhiên bạn không cần quá lo lắng, cứ để ý những phần quan trọng nhất như là từ khóa trong bài để có thể suy đoán ra đáp án.
VI. LỜI KẾT
Trên đây là tổng hợp 25 mẹo cũng như phương pháp của Riki Nihongo dành cho các bạn chuẩn bị bước vào kì thi JLPT. Bên cạnh đó, Riki còn bật mí thêm một yếu tố hàng đầu nữa mà mọi thí sinh thi đỗ đều cần có: bình tĩnh, tự tin khi bước vào phòng thi, bạn nhé!
Riki Nihongo!